Việt Nam: Tiết lộ những cuộc đàn áp biểu tình ôn hòa

20/06/2023
Rapport
en es fr vi
KAO NGUYEN / AFP

Trong một bản phúc trình mới được công bố bằng Anh, Pháp và Việt ngữ, FIDH và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR) tố giác sự đàn áp có hệ thống đối với quyền tự do hội họp ở Việt Nam.

Paris, ngày 20 tháng 6 năm 2023, FIDH-VCHR : Bản Phúc trình dài 58 trang, có tiêu đề "Một Lịch sử đầy Bạo lực - Đàn áp quyền tự do hội họp ở Việt Nam," là tài liệu tường trình cặn kẽ nhất từ trước đến giờ với hơn ba thập niên về các phong trào biểu tình nổi dậy ở Việt Nam và các hành vi đàn áp khủng khiếp mà họ đã phải đối diện. Sự trấn áp bao gồm: sử dụng vũ lực thô bạo không cần thiết, bắt bớ, giam giữ, kết án tùy tiện, và các hình thức đánh đập, sách nhiễu, tấn công đối với các nhà lãnh đạo biểu tình, những người tham gia và những người đồng tình.

Bản Phúc trình đưa ra các khuyến nghị chi tiết và thiết thực để chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm cải thiện luật pháp phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến quyền tự do hội họp ôn hòa.

“Việc sửa đổi tất cả các điều khoản về an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự phải là điểm khởi đầu để đảm bảo một môi trường an toàn và thuận lợi cho quyền tự do hội họp ôn hòa ở Việt Nam. Hà Nội cũng nên tiến hành nhanh chóng việc thông qua luật biểu tình đã quá hạn từ lâu ngõ hầu tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế,” Tổng thư ký FIDH Adilur Rahman Khan tuyên bố.

Đòi hỏi của xã hội dân sự gặp phải bạo lực và đàn áp

Đa số các cuộc biểu tình ôn hòa ở Việt Nam thường có truyền thống đề cập đến nhiều vấn đề, từ biểu tình đòi hỏi tự do tôn giáo đến quyền sở hữu đất đai, quan hệ với Trung Quốc v.v.. Các vấn đề nổi bật khác như bảo vệ môi trường, quyền lợi lao động, phản đối các dự luật hạn chế bất công, cũng là những nguyên nhân kích động thường thấy, khiến người dân xuống đường biểu tình ở Việt Nam.

Vì Việt Nam không có luật lệ bảo vệ quyền biểu tình nên một số nghị định và quy định với những hạn chế rất gắt gao, chẳng hạn như Nghị định 38, Thông tư 9 và 13, đã được chính quyền Việt Nam dùng như những công cụ pháp lý để đàn áp những người đã thực hiện, hoặc tìm cách thực hiện, quyền tự do hội họp ôn hòa. Quan trọng nhất, nhiều điều khoản “an ninh quốc gia” của Bộ luật Hình sự đã thường xuyên được lạm dụng để bắt bớ, giam giữ, truy tố và bỏ tù tùy tiện những người biểu tình và các thành viên xã hội dân sự tham gia vào các hoạt động liên quan đến hội họp công cộng.

“Những người Việt Nam dũng cảm thuộc mọi tầng lớp xã hội đã phải trả giá rất đắt cho việc tổ chức và tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa bất chấp sự đàn áp của chính quyền. Cộng đồng quốc tế phải gây áp lực mạnh mẽ hơn để buộc Hà Nội phải đảm bảo việc thực thi an toàn quyền tự do hội họp ôn hòa, trực tuyến và ngoại tuyến, trở thành hiện thực,” Phó Chủ tịch VCHR Penelope Faulkner nói.

Những cá nhân bị bắt bớ, giam giữ và truy tố một cách tùy tiện liên quan đến việc họ tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa thường phải đối mặt với các hành vi ngược đãi khác, bao gồm: không được quyền xét xử công bằng; án tù quá nặng nề; điều kiện giam giữ tồi tệ; từ chối chăm sóc y tế, bị ngược đãi và tra tấn trong nhà tù; gia đình họ bị công an theo dõi, đe dọa liên tục; và bị sách nhiễu bằng luật pháp. Trong một số trường hợp, điều kiện giam giữ tồi tệ và ngược đãi đã dẫn đến tử vong.

Lire la suite